|
Tường thuật từ Busan
Nỗi đau đã được sẻ chia
16/07/2010 8:54
PN - 0g10 phút ngày 14/7, chuyến bay VN970 rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM, đưa chúng tôi đến thành phố Busan, Hàn Quốc lúc 7g (4 giờ sáng giờ Việt Nam). Cuộc hành trình tìm lại công bằng cho cô dâu Hoàng Ngọc thật sự bắt đầu.
7g30, vợ chồng ông Thạch Sang - cha mẹ Ngọc gặp người cháu gái tên Thạch Vũ Thị Nga, cũng là một cô dâu Hàn đang sống tại thành phố này. Bà Út, ông Sang và Nga ôm nhau tức tưởi. Đón chúng tôi tại sân bay có đại diện của Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan, đại diện Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa Busan (EULIM) và giáo sư Lee Sang-Min - Chủ tịch tổ chức Những người Hàn yêu Việt Nam (VESAMO). Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là bệnh viện, nơi đang giữ xác của Ngọc để gia đình nhận diện.
Chủ tịch Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam GS Lee Sang-Min (phải)đón ba mẹ Ngọc ở sân bay Busan
Những tiếng gào khóc đau đớn. Ông Thạch Sang đã ngất xỉu ngay lúc bước ra khỏi nhà xác. Sau đó, xe đưa chúng tôi đến đồn cảnh sát quận Saha… Ông bà Thạch Sang và Nga không thể tin được Ngọc chết thê thảm vậy: mặt mày nhầy nhụa, còn có cả một vết thương dài nơi cổ!
Nỗi đau của ba người thân sau khi nhận diện xác Ngọc
Tại đồn cảnh sát, khi nghe kết luận nguyên nhân tử vong của Ngọc là do vết dao gọt trái cây đâm vào bụng, ông bà Thạch Sang không đồng ý, đề nghị phải điều tra thêm. Tuy nhiên, cảnh sát lý giải, đã có nhiều vết thương trên cả cơ thể Ngọc chứ không riêng trên mặt hay cổ. Trên chiếc móng tay của Ngọc còn có vết da của Jang, chồng cô. Như vậy, trước khi chết, Ngọc đã có xô xát với chồng để tự vệ khi Jang lên cơn tâm thần. Câu hỏi lớn nhất của gia đình ông Thạch Sang và đại diện các trung tâm nhân đạo, nhân quyền ở Hàn Quốc lẫn báo giới đặt ra là tổ chức nào đã môi giới để cho một chú rể bệnh tâm thần kết hôn cùng cô dâu Việt - ở một đất nước mà luật pháp cấm kết hôn với người bị tâm thần, đã không được phía cảnh sát trả lời thỏa đáng, chỉ nói chung chung là phía môi giới không có tin gì về bệnh tâm thần của chú rể (?)
Gia đình đến thắp nhang cho Ngọc tại nơi xảy ra án mạng
Theo nguyện vọng của gia đình, kết thúc phần chất vấn kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, gia đình được “cắt” khỏi cánh báo chí để đến hiện trường xảy ra vụ án mạng.
Lúc này, chúng tôi mới được biết, nhờ nỗ lực của những người thiện nguyện mà ngay lúc gia đình Ngọc chất vấn và được phía cảnh sát thẩm vấn lại, đã diễn ra một cuộc họp báo ngay sảnh trụ sở cảnh sát với sự có mặt của hơn 10 tổ chức nhân đạo, và đã có một lá đơn tố cáo chung gửi cảnh sát và chính quyền Busan, yêu cầu cảnh sát sớm công bố kết luận điều tra để họ khởi kiện vụ án, vận động dân chúng Busan cùng hành động, trả lại công bằng cho cô dâu Ngọc, chuộc một phần lỗi lầm to lớn của Jang.
Đông đảo người dân, báo giới tập trung trước Busan Medica Centre
Bà Lee In Kyuong - Giám đốc EULIM bức xúc: “Từ khi sự việc xảy ra, chúng tôi và VESAMO đã có công văn gửi cảnh sát Busan đề nghị trả lời chi tiết về công ty môi giới và nội dung vụ án một cách chính thức. Ngày 12/7, nhận được đơn khiếu nại và ủy thác khiếu kiện của gia đình cô dâu Hoàng Ngọc từ Việt Nam, chúng tôi lại một lần nữa yêu cầu nhưng đến hôm nay vẫn chưa có tin tức chính thức”.
Không chỉ có phóng viên dự họp báo mà còn có đến hơn 20 cô dâu Việt Nam đang sống tại Busan tham gia vào sự kiện này. Cô dâu Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1983 vừa sang Busan tháng 2/2010, đang theo học tiếng Hàn nói: “Chồng tôi đọc báo và động viên tôi đến và chia sẻ nỗi đau của một người cùng dân tộc. Anh ấy nói rằng, em nên đến để biết không phải người Hàn nào cũng hành động như Jang!”.
13g30, tang lễ được cử hành tại Busan Medica Center. Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Hàn Quốc đứng ra tổ chức sự kiện này. Ông Park Soo Kwan, Tổng lãnh sự Hàn đã gửi viếng Ngọc 5.000.000 won. Ông nói: “Khi sự việc xảy ra, tôi đã hết sức bàng hoàng. Cả hai phía Việt-Hàn đều đang rất nỗ lực, hợp tác. Tôi đã lập tức yêu cầu các cơ quan, chính quyền ở Busan phải thể hiện trách nhiệm của mình với gia đình nạn nhân và chính thức phát động trong dân chúng việc chia sẻ này”. Với ảnh hưởng của mình, ông Park đã vận động được các doanh nhân Hàn tham gia ủng hộ gia đình Hoàng Ngọc số tiền khá lớn. Tính đến ngày 15/7, đã có hơn 30.366 USD và hơn hai triệu won. Đại sứ quán Việt Nam cũng gửi 500.000 won hỗ trợ gia đình. Đặc biệt, đến cuối giờ chiều ngày 15/7, Thị trưởng thành phố Busan đã đóng góp thêm 5 triệu won (trước đó ông đã gửi 5 triệu). Đích thân nữ Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc đã bay đến Busan để gặp gỡ và chia buồn cùng gia đình cô dâu Hoàng Ngọc.
Hơn 500 lượt người dân đang sinh sống tại TP Busan, sau khi xem truyền hình đã đến viếng Ngọc, trong đó có đến hơn 300 cô dâu Hàn là người Việt, Philippines, Indonesia…
10g ngày 15/7, thi thể Ngọc cùng một số vật dụng cá nhân được hỏa táng. Cầm những cuốn tập với những hàng chữ nắn nót của con gái ở lớp tiếng Hàn mà cô mới tham gia được bốn hôm, bà Út lại òa khóc.
Thông qua Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Thạch Sang và bà Trương Thị Út đã gửi lời chân thành cảm ơn đến tất cả các Mạnh Thường Quân, đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan - Hàn Quốc, tổ chức VESAMO, EULIM, Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, Sở Ngoại vụ TP.HCM, Cục Quản lý XNC và tất cả những người đã đến thăm viếng, chia buồn.
Nghi Anh
Lãnh sự Byun Chang-Bum (Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM):
Sẽ điều tra đầy đủ về bệnh tâm thần của người chồng
Chiều 14/7/2010, Lãnh sự Byun Chang-Bum (ảnh) (Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM) đã trả lời chính thức Báo Phụ Nữ một số vấn đề quanh sự việc cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc bị người chồng tâm thần sát hại tại Hàn Quốc.
* Tại Hàn Quốc, việc xử lý vụ việc đã đến đâu? Có giả thuyết cho rằng chú rể khai mình bệnh tâm thần để “thoát tội”, điều này có được cơ quan điều tra quan tâm?
- Người chồng phạm tội hiện đã bị bắt giữ. Cơ quan cảnh sát Hàn Quốc sẽ tiến hành điều tra một cách đầy đủ về vấn đề bệnh tâm thần của người chồng. Việc này ảnh hưởng thế nào đến hình phạt cho phạm nhân thì phải chờ kết luận của cơ quan tòa án.
* Luật Hôn nhân-gia đình của Việt Nam quy định người nước ngoài muốn kết hôn với người Việt Nam cần có giấy chứng nhận sức khỏe, các trường hợp bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu không kiểm soát được hành vi thì không thể kết hôn. Được biết, Luật Hôn nhân-gia đình ở Hàn Quốc cũng quy định tương tự, tại sao lại xảy ra trường hợp trên?
- Ở Việt Nam, chúng tôi được biết khi đăng ký kết hôn thì nộp giấy khám sức khỏe do bệnh viện cấp cho cơ quan chức năng và qua phỏng vấn, nhưng ở Hàn Quốc, hôn nhân không phải là đối tượng cho phép mà là đối tượng đăng ký.
* Gia đình nạn nhân muốn khởi kiện về việc chú rể che giấu bệnh tâm thần, phải thực hiện các thủ tục pháp lý gì, nộp hồ sơ ở đâu và được hỗ trợ như thế nào?
- Xem xét tính quan trọng và chuyên môn của tố tụng này, gia đình nên liên hệ với luật sư chuyên môn để được tư vấn.
Vĩnh Linh (thực hiện)
Gửi cho bạn bè
In